Xây dựng các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường hợp lý khu vực khai thác than tỉnh Quảng Ninh

Quản trị viên 31/03/2021 Khối dự án

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh thì hoạt động khai thác than đã và đang góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường. Quá trình khai thác mỏ làm thay đổi địa hình khu vực, hình thành các bãi thải, các hố mỏ đã tác động đến môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất làm phát sinh bụi, khí thải, nước thải,chất thải rắn…Bên cạnh đó, hoạt động khai thác cũng làm giảm độ che phủ của rừng, mất tính đa dạng của hệ sinh thái.

Thực hiện theo các qui định của Pháp luật về Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các văn bản pháp lý khác liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, các đơn vị khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trước khi khai thác đã tiến hành lập các phương án cải tạo, phục hồi môi trường.Các phương án này tính toán chi tiết, cụ thể khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường, xây dựng kế hoạch thực hiện và chương trình giám sát trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường, chương trình kiểm tra, xác nhận hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Các đơn vị khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như Công ty cổ phần than Vàng Danh, Công ty cổ phần than Đèo Nai, Công ty cổ phần than Cọc Sáu, Công ty cổ phần than Núi Béo, Công ty than Dương Huy… đã thực hiện nghiêm túc các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, từ đó từng bước khắc phục được các tác động môi trường của hoạt động khai thác đến môi trường khu vực và đưa môi trường, hệ sinh thái khu vực khai thác than về trạng thái môi trường gần với ban đầu phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

Như vậy, để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế xã hội, phát triển công tác khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thì cần thiết phải xây dựng giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường hợp lý nhằm cải thiện được môi trường làm việc, tăng diện tích phủ xanh khu vực khai trường, bãi thải và các khu vực ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác than từ đó đưa được môi trường khu vực sau khai thác về gần với môi trường ban đầu trước khi triển khai hoạt động khai thác mỏ.

Trồng cây Thông mã vĩ tại đỉnh bãi thải mỏ than Vàng Danh

Trồng cây Thông mã vĩ tại khu vực tuyến đường vận tải nội bộ mỏ thanVàng Danh

Trồng cây Keo tại bãi thải Chính Bắc, Núi Béo

Cảnh quan mặt bằng trung tâm điều hành sản xuất +75 Hà Lầm

 

Tác giả: Nguyễn Văn Tuyến